Tin tức khoa học công nghệ

KHOA KINH TẾ TỔ CHỨC SEMINAR KHOA HỌC “VẬN DỤNG THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG ĐỂ ĐÁNH GIÁ THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM”

03 tháng 05, 2021

Sáng ngày 15/11/2019, khoa Kinh tế tổ chức seminar khoa học “Vận dụng thẻ điểm cân bằng để đánh giá thành quả hoạt động trong các Doanh nghiệp Việt Nam”.

Tham dự buổi seminar có đầy đủ các đồng chí giảng viên trong khoa.

Xuất phát từ thực tiễn đứng trước áp lực về cạnh tranh trong quá trình hội nhập, buộc các Doanh nghiệp phải vận dụng các công cụ quản lý hiện đại. Thẻ điểm cân bằng là một công cụ quản lý kinh doanh đã được áp dụng thành công trong lĩnh vực quản lý ở các doanh nghiệp. BSC là một hệ thống các mục tiêu và chỉ tiêu đo lường đánh giá hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp dựa trên sự cân bằng của 4 khía cạnh: Tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, đào tạo và phát triển. Năm 2011, BSC được đánh giá là 1 trong 10 công cụ quản lý được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Tuy nhiên BSC còn khá mới mẻ và chưa được nhiều Doanh nghiệp ở Việt Nam quan tâm áp dụng. Seminar khoa học này nhằm mục đích cung cấp thêm kiến thức về thẻ điểm cân bằng để nhà quản trị và nhân viên có thể vận dụng triển khai trong thời gian tới.

Tại buổi seminar, TS. Bùi Tiến Dũng đã thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo nội dung seminar khoa học với những nội dung: Giới thiệu về thẻ điểm cân bằng (Balanced scorecard - BSC); Vận dụng thẻ điểm cân bằng ở một số quốc gia trên thế giới; Đề xuất vận dụng thẻ điểm cân bằng ở các Doanh nghiệp Việt Nam. Tác giả nhấn mạnh: Thẻ điểm cân bằng là một công cụ rất hữu hiệu giúp cho các Doanh nghiệp xây dựng chiến lược hoạt động cho tổ chức mình, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa 4 khía cạnh: tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, đào tạo và phát triển, giúp doanh nghiệp cân bằng giữa những mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, giữa các thước đo tài chính và phi tài chính, giữa những chỉ số về kết quả và những chỉ số thúc đẩy hiệu quả hoạt động. Vận dụng mô hình thẻ điểm cân bằng sẽ mang đến nhiều thành công cho các Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Buổi Seminar diễn ra với không khí vui vẻ, cởi mở và có ý nghĩa học thuật sâu sắc. Các đồng chí giảng viên tham dự đã có những ý kiến đóng góp sâu sắc, nhiều vấn đề được đưa ra trao đổi, góp ý để làm sáng tỏ, nhiều nội dung được đề cập nghiên cứu góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy các học phần của ngành Kế toán và Quản trị Kinh doanh./.